Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Các nhà lãnh đạo nước Việt Nam từ 1945



Hoàng đế nước Việt Nam Bảo Đại (1913-1997)
đăng quang 8-1-1926, thoái vị 30-8-1945


Thủ tướng nước Việt Nam (1945) Trần Trọng Kim (1883-1953)


Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945-1976) Hồ Chí Minh (1890-1969)


Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam (1949-1955) Bảo Đại (1913-1997)


Tổng Thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (1956-1963) Ngô Đình Diệm (1906-1963)


Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa (1964-1965) Dương Văn Minh (1913-2001)




Quốc Tưởng VNCH (1965) Phan Khắc Sửu (1905-1970)


Tổng Thống Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa (1967-1975) Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001)


Tổng Thống VNCH (4/1975) Trần Văn Hương (1904-1982)


Tổng Thống VNCH (4/1975) Dương Văn Minh (1916-2001)


Tôn Đức Thắng (1888-1980)
Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1969-1976)
Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1976-1980)


Quyền Chủ tịch nước (1980-1981) Ls Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996)


Chủ tịch nước (1981-1987) Trưòng Chinh (1907-1988)


Chủ tịch nước (1987-1992) Võ Chí Công (1912- )


Chủ tịch nước (1992-1997) Lê Đức Anh (1920- )


Chủ tịch nước (1997-2006) Trần Đức Lương (1937- )


Chủ tịch nước (2006-2011 ) Nguyễn Minh Triết (1942- )



Chủ tịch nước (2011-    ) Trương Tấn Sang (1949-    )

Cập nhật 1-10-2014




Tùy bút tháng tư

Vũ Ngọc Tiến

Giờ đã là giữa tháng 4/2010, sắp đến ngày tròn 35 năm đất nước thống nhất từ đỉnh cổng trời Hà Giang đến đất mũi Cà Mau. Cái giá phải trả cho sự kiện này không nhỏ: 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó 500 ngàn người có mộ được quy tập đủ danh tính, 300 ngàn người phải chịu nằm dưới mộ vô danh và 300 ngàn người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ở phía bên kia cuộc chiến, các con số tương đồng cũng đâu có thua kém và họ cũng là con dân nước Việt cả thôi! Là người viết văn, nhưng có thói quen điều tra xã hội học, ghi chép lại làm lưng vốn cho ngòi bút của mình nên trong đầu tôi miên man ám ảnh bởi những con số, trôi ra thành câu chữ trăn trở trên mặt giấy giữa tháng tư lịch sử này…

35 năm sau cuộc chiến, nếu tôi chen số ”0” vào giữa sẽ là 305 ngàn ha rừng đầu nguồn ở 10 tỉnh biên giới đã được mấy ông quan đầu tỉnh tùy tiện cho nước ngoài thuê 50 năm mà giá thuê 1m2/năm chỉ đủ mua vài cọng rau muống thôi ư? Điều đáng để tôi trăn trở âu lo là trong đó có 240 ngàn ha rừng được cho các chủ doanh nghiệp nói tiếng Hoa, quốc tịch Trung Quốc, Đài loan, Malaysia “thuê đất trồng rừng” ở những vùng biên giới nhạy cảm! Tôi đã thử điều tra một dự án của họ ở mấy xã thuộc huyện Tràng Định- Lạng Sơn, chợt giật mình vì hình như nếu tôi không nhớ lầm thì gần 40 năm trước mình đã từng thăm dò quặng bauxite bằng phương pháp địa vật lý. Hay như một dự án trồng rừng khác ở Hà Giang, tôi ngờ rằng trong phạm vi mấy xã đó có những điểm triển vọng vàng sa khoáng. Nói đến rừng đầu nguồn, tôi lại liên tưởng đến vấn nạn xuất hiện tràn lan, vô tổ chức các công trình thủy điện vừa và nhỏ, không chỉ dẫn đến nguy cơ tàn phá rừng, hủy hoại môi sinh, xả lũ vô tội vạ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi năm ngoái mà còn chiếm mất diện tích canh tác tốt nhất của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Điều tra quanh thị trấn du lịch, nghỉ dưỡng Sa Pa, trong bán kính 30 km có tới 17 dự án thủy điện nhỏ? Ai cũng biết, địa điểm thiết kế lòng hồ thủy điện nhỏ lý tưởng là thung lũng giữa núi, đó cũng là nơi có ruộng trồng lúa vốn rất hiếm hoi của người Dao, Mông, Thái, Tày, Nùng…ở Tây bắc, Việt Bắc. Họ mất rừng, mất ruộng nên lũ lượt tha hương làm dân di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên, bỗng chốc họ từ nạn nhân trở thành thủ phạm phá rừng vì buộc phải đốt rẫy làm nương ở nơi đất mới. Cái vòng luẩn quẩn phá rừng kia bao giờ chấm dứt? Câu hỏi này tôi đã từng đặt ra trong lọat 5 bài viết về Tam Nông trên báo Văn Nghệ Trẻ, nhân hội nghị Trung ương 7, khóa X họp vào giữa năm 2007, vẫn rơi vào im lặng.

Tháng tư năm nay cũng vừa tròn 45 năm chiến thắng Hàm Rồng (3/4/1965- 3/4/2010). Không ai có thể phủ nhận đây là chiến thắng vĩ đại, oanh liệt nhất trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh đất đối không vô cùng ác liệt. Chỉ trong 2 ngày, trung đoàn pháo binh 228 đã cùng dân quân các làng Yên Vực, Nam Ngạn, Đông Sơn đã kiên cường bám trụ, bắn hạ 87 máy bay phản lực Mỹ, giữ được cây cầu Hàm Rồng nguyên vẹn. Tôi đã 2 lần đi làm phim về trận đánh này (2005 và 2010) nên hiểu rõ mất mát hy sinh ở đây suốt những năm chiến tranh cũng rất lớn. Trên diện tích khoảng 1 cây số vuông quanh khu vực Hàm Rồng, người Mỹ đã trút xuống 20 vạn tấn bom, 8.000 người đã chết, 13.000 người bị thương vong. Những con số ám ảnh tâm thức, xui khiến tôi năm 2005 đã cất công đi tìm nhân chứng lịch sử- ông Nguyễn Văn Bê, một trong số 13.000 người bị thương bên cây cầu Hàm Rồng. Ông Bê quê ở xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, nhưng vào lúc tôi đi tìm, ông đang cuốc đất thuê cho chủ trang trại trồng dứa ở ngoại vi thị xã Bỉm Sơn. Ông bị thương trong trận đánh ngày 3/4/1965. Một mảnh bom đã găm qua mũ sắt, chui vào đỉnh đầu, đến nay chỗ bị thương vẫn còn phập phồng mảng da đầu. Sau khi ra viện, xuất ngũ vài năm thì vết thương trên đầu mới tái phát, biến ông Bê thành người ngu ngơ, biết gì về các thủ tục vốn đã khá phiền phức để hưởng tiêu chuẩn thương binh. Tính đến thời điểm 2005 là vừa tròn 40 năm ông không hề được hưởng tiền trợ cấp. Trớ trêu ở chỗ chiếc mũ sắt có vết thủng trên đỉnh đầu của ông lại cũng được người ta đem trưng bày ở nhà Bảo tàng cách mạng tỉnh Thanh suốt 40 năm ấy, còn người thủng đầu, nghe thiên hạ đồn: “Ông muốn có sổ trợ cấp phải làm thủ tục “đầu tiên”, không có thì nghỉ cho khỏe!” Chẳng biết 5 năm qua, sau lần gặp tôi, ông sống ra sao, đã được cấp sổ hay chết rồi vẫn còn ôm mối hận? Ngẫu nhiên tháng tư dương lịch hàng năm thường trùng hợp với dịp tết “Hàn thực” vào mồng 3 tháng 3 âm lịch. Người ta ăn đồ nguội như bánh trôi, bánh chay làm từ đêm trước để ngày tết không phải dùng đến ngọn lửa oan nghiệt từng thiêu đốt mẹ con Giới Tử Thôi thời chiến quốc. Trùng Nhĩ sau khi lên ngôi vua đã vô ơn, bạc đãi và hắt hủi các công thần khiến ông phải cõng mẹ trốn vào rừng ở ẩn. Vua sai người gọi không được bèn nghe lời nịnh thần, cho đốt rừng tất ông phải ra, nhưng ông cùng mẹ thà chết cháy chứ không chịu quay về nhìn mặt lũ bất nhân. Bởi thế, tết “Hàn thực” năm nay, ăn đĩa bánh trôi tôi lại nhớ tích xưa, ngậm ngùi thương ông Nguyễn Văn Bê, miên man suy ngẫm sự đời những năm hậu chiến.

Có những con số người vô tâm thọat nghe thấy dửng dưng, nhưng tôi thì không thể. Tài liệu thống kê gần đây cho tôi biết, 35 năm sau cuộc chiến, Việt Nam ta có: 3,2 triệu người định cư ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; 500.000 người đi làm thuê ở 40 quốc gia; 250.000 người đi lấy chồng nước ngoài, chủ yếu ở Trung quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia; 30.000 du học sinh ở châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ… Trong số 3,2 triệu người Việt định cư ở hải ngoại hiện nay, số ra đi trước ngày 30/4/1975, kể cả số di cư từ thời thuộc Pháp chỉ khoảng 1 triệu, số còn lại hơn 2 triệu người chủ yếu rời bỏ đất nước từ nửa cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế hệ chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sao những người được chúng tôi giải phóng lại ào ào bỏ nước mà đi đông đến vậy? Đất nước qua 24 năm đổi mới, ta vẫn tự hào về tốc độ tăng trưởng ngọan mục trong 12 năm liền (1996- 2007). Thế nhưng chất lượng tăng trưởng thì sao? Cánh kéo phân hóa giàu nghèo giãn ra tới mức chỉ một nhúm người đi xe triệu đô, cưỡi máy bay riêng, ngủ biệt thự sang trọng, trong khi có nửa triệu người đi làm thuê kiếm sống ở xứ người và 250 ngàn cô gái hơ hớ tuổi xuân phải lấy chồng chồng ngoại để có tiền cứu đói hay trả nợ cho gia đình. Trong cộng đồng 3,2 triệu người Việt hải ngoại, tôi biết có khoảng 300 ngàn chuyên gia cấp đại học và trên đại học, phần lớn đều tha thiết mong có cơ hội phụng sự Tổ quốc. Đó là nguồn nhân lực tuyệt vời cho công cuộc phát triển, sao các nhà quản lý trong nước lại ghẻ lạnh, hờ hững với họ? Tôi có thời gian làm Thư ký tòa sọan cho tạp chí Thế giới vi tính (PC World VN), một tạp chí hàng đầu về CNTT nên hiểu khá rõ nội tình vụ việc ông Trương Trọng Thi- người Pháp gốc Việt, nhà phát minh thuộc tốp tiên phong của thế giới về máy tính cá nhân và công nghệ vi xử lý, ngay từ năm 1973 đã có nguyện vọng hợp tác đầu tư với Nhà nước ta về lĩnh vực này và bị ghẻ lạnh ra sao. Cố GS Trần Lưu Chương sinh thời có lần tâm sự với tôi: “Hãy tưởng tượng ở thời điểm năm 1973, lúc châu Á và cả thế giới còn đang ở buổi bình minh của cuộc cách mạng tin học, nếu ta ủng hộ Trương Trọng Thi lập xưởng chế tạo PC và tổ chức nghiên cứu công nghệ vi xử lý thì Ấn Độ và Trung Quốc chỉ có nước chạy theo bái ta làm sư phụ, chứ đâu như bây giờ ta thua họ 10 năm phát triển công nghiệp phần cứng và gia công phần mềm xuất khẩu.” Lại nữa, con số 30,000 du học sinh, nghiên cứu sinh VN đang ở Tây Âu và Bắc Mỹ là nguồn chất xám trẻ vô cùng quý giá, sao 70- 80% trong số họ không muốn về nước, đâu chỉ vì đãi ngộ thấp mà còn vì điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến bị cơ chế dị mọ trong nước kìm hãm?…

Có tiếng gà gáy sáng cất lên thao thiết, chơi vơi, lạ hóa giữa không gian khu đô thị mới, chất ngất các tòa nhà chung cư cao tầng. Ông lão hàng xóm cùng tầng 11 của tôi bảo, ông nuôi chú gà tre Nam Bộ làm cảnh, cho nguôi nỗi nhớ làng quê Đông Anh bị giải tỏa làm sân “gôn”, bứng ông cùng bà lão răng đen, vấn khăn mỏ quạ ra nhập hàng ngũ cư dân đô thị mới. Tiếng gà làm tôi liên tưởng đến buổi tọa đàm “Kê minh thập sách- minh triết trị quốc an dân” tại Hội trường tầng 3, nhà số 53 Nguyễn Du – Hà Nội vừa diễn ra hôm 15/4/2010. Hơn 600 năm trước, bà Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu đã dâng lên vua Trần Duệ Tông bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều phản biện và kiến nghị, hòng cứu đất nước ra khỏi khủng hoảng toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế. Mỗi lời của bà tới nay vẫn còn tươi rói màu xanh của cuộc sống, thiết thực với hiện tình đất nước, ngỡ như ta đang đọc một bản góp ý cho văn kiện Đại hội đảng CSVN lần thứ XI, ví dụ:

“…Ba, ngăn chặn lũ lộng quyền để phòng chính sự sâu mọt.

Bốn, thải loại bọn tham nhũng để trừ tệ đục khóet của dân.

Năm, xin chấn hưng văn hóa giáo dục khiến ánh đuốc rực cùng mặt trời chiếu khắp.

Sáu, xin cầu lời nói thẳng để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở…”

Tôi nhớ, trong buổi tọa đàm đó, khi anh GS Chu Hảo mời tôi lên phát biểu, tôi đã uống thuốc liều nêu ra hai ý hỏi lại các cử tọa cũng là hỏi chính lòng mình:

Một là bản “Kê minh thập sách” có 6 điều thuộc về minh triết trị quốc an dân ngắn gọn, khúc triết và 4 điều thuộc về binh pháp, đọc lên ngỡ như binh pháp Tôn Tử hay Binh thư yếu lược của Hưng Đạo đại vương vậy. Bà Nguyễn Thị Bích Châu chỉ là cung phi, mồ côi từ nhỏ, vào cung tự học mà tỏa sáng nên chăng coi đây là sự cô đúc trí tuệ của nhiều bậc thức giả dân gian vào trong văn bản lưu truyền cho hậu thế, thông qua sự phát ngôn của nhân vật lịch sử đã hóa thánh trong lòng dân ở các đền thờ miền quê Nghệ Tĩnh?

Hai là, phải chăng “Kê minh thập sách” tập hợp ý nguyện của dân chúng mà ra đời từ hệ quả tất yếu sau mấy chục năm chính sự suy đồi, vua tôi sa đọa? Thực tế lịch sử cho thấy nhà Trần sau hơn nửa thế kỷ lừng lẫy và 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đến năm 1314 bắt đầu trượt dài trong sa đọa với sự lên ngôi của vua Trần Minh Tông. Ông vua này là con thứ, được vua cha cưng chiều đưa lên ngôi lúc mới 14 tuổi (SN 1300), chỉ ham ăn chơi, trác táng trong sự dung túng của thượng hoàng và sự o bế của lũ nịnh thần. Đến năm 1329, đang còn sung sức ở tuổi 29 Minh Tông đã vội lẩn tránh quốc sự, nhường ngôi cho vua Trần Hiến Tông mới lên 10 tuổi (SN 1319) để mình làm Thượng hoàng. Năm 1341, Hiến Tông chết lúc 22 tuổi, chưa kịp có con nên con thứ 10 của Minh Tông mới lên 5 tuổi (SN 1336) lên làm vua, hiệu là Trần Dụ Tông. Như vậy, từ năm 1314 đến 1369 là 55 năm triều đình mục nát, chính sự nhố nhăng như phường chèo nên năm 1369 một gã lưu manh Dương Nhật Lễ, con anh hề chèo gốc Hoa trong cung là Dương Khương cũng có thể cướp ngôi làm vua được 2 năm (1369- 1370). “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông (1372- 1377), không được vua tiếp nhận nên năm 1400 nhà Trần mới mất về tay nhà Hồ, rồi cuối cùng nước cũng mất về tay giặc Minh ở phương Bắc.

Phải chăng khi một chính thể kéo dài sự mục nát suốt mấy chục năm, quyền bính lọt vào tay lũ lưu manh hạ đẳng, chính sự nhố nhăng như phường chèo, lại khước từ minh triết Việt trong “Kê minh thập sách” thì họa diệt vong là tất yếu?

Bài học lịch sử “Kê minh thập sách” cuối thời nhà Trần, nay nhân ngày giỗthứ 633 bà Chính thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, tôi bồi hồi ngẫm lại vẫn thấy còn nguyên giá trị giữa bầu trời thủ đô tháng tư năm 2010…

Hà Nội 18/4/2010

Mở đầu


Thưa các bạn,

Tôi không biết viết văn, làm thơ, không biêt viết các bài bình luận tin tức, lại càng không biết viết về chính trị, nhưng làm người nhất thiết ai cũng biết yêu nước, thương nòi giống mình.

Yêu nước, có thể người ta yêu với cái rất gần như bến sông, dòng nước, cánh đồng, mùa màng, từ bến đò sang sông cho đến đình làng, ngôi chùa tỉnh mịch, trường làng vang tiếng ê, a và điệu hát ru em những buổi trưa hè.

Yêu nước, từ những tâm tình đơn giản đó, rồi đi xa hơn, rộng ra người ta yêu thôn quê, yêu thành thị, yêu bờ biển, yêu núi cao, sông rộng, cảnh đẹp của đất nước mình qua hình ảnh, truyền hình, những chuyến đi xa.

Người ta cũng yêu những em bé ngây thơ, ngày ngày cắp sách đến trường, những cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy đi thăm hàng xóm, những người nghèo khó tay cầm gậy vai mang bị xin ăn.

Người ta cũng thương cho dân quê lam lũ, trãi nắng dầm mưa với ruộng đồng, để có hạt lúa, nồi cơm mỗi chiều sau khi ở đồng áng về nhà.

Người ta thương cho trẻ con ngày nay không phải chăn trâu, giữ bò như xưa nhưng chúng vẫn còn phải bỏ học, giúp mẹ giữ em, giúp cha làm mùa.

Tôi không viết được, nhưng có thể đọc và chọn những bài hay, gom góp lại đây để mời quý bạn xem, nhưng "Nhân Tâm tùy thích", khen chê tùy bài, chánh kiến tùy người.

Vài lời mạo mội tỏ bày.

Chủ trương Blog